TOR (The Onion Router)

Tor bảo vệ sự riêng tư của bạn

(Giải thích kèm hình minh họa)

Tor được đánh giá là một trong những cách an toàn và hiệu quả nhất để bảo vệ danh tính của bạn trên mạng, đồng thời còn giúp bạn tránh được kiểm duyệt của chính phủ.

Tor là từ viết tắt của "The Onion Router" (Định tuyến kiểu củ hành).

Sau khi cài đặt proxy Tor vào máy tính của bạn, Tor sử dụng một mạng lưới những máy tính cá nhân lồng vào nhau để định tuyến và mã hóa lưu lượng truy cập Internet đi qua Internet.

Tor kết nối với một danh sách những nút có trong mạng lưới Tor.

Người dùng truyền tải dữ liệu thông qua một loạt ba loại nút Tor ngẫu nhiên.

Mỗi nút có khóa mã hóa riêng của mình.


Nút vào

Biết người dùng và nút trung chuyển.

Nút trung chuyển

Biết nút vào và nút ra.

Nút ra

Biết nút trung chuyển và nút vào

Vì ba loại nút lồng vào nhau, không một máy tính nào trong mạng lưới Tor biết nguồn cuối cùng hay điểm đến cuối cùng của lưu lượng truy cập, vì thế giấu kỹ danh tính người dùng.

Tor hoạt động tốt nhất khi dùng để che giấu danh tính của bạn và bảo vệ hoạt động của bạn khỏi sự theo dõi bên ngoài.

Tor là một trong những ứng dụng tránh kiểm duyệt xuất hiện sớm nhất và phổ biến nhất hiện nay. Đó là bởi vì Tor được đánh giá là một trong những cách an toàn và hiệu quả nhất để bảo vệ danh tính của bạn trên mạng, đồng thời còn giúp bạn tránh được kiểm duyệt của chính phủ. Dưới đây là một số thông tin về Tor, cách sử dụng Tor, và cách mà Tor có thể giúp bạn trên mạng.

Tor là gì?

Tor là từ viết tắt của "The Onion Router," với từ "onion" (củ hành tây) là một sự so sánh dễ liên tưởng về cách thức hoạt động của Tor. Cũng giống như củ hành tây gồm nhiều lớp, Tor sử dụng một mạng lưới những máy tính cá nhân lồng vào nhau, gọi là những nút, làm nhiệm vụ định tuyến và mã hóa lưu lượng truy cập Internet đi qua Internet. Nó phức tạp và dư thừa, và chính vì thế cung cấp sự bảo vệ mạnh mẽ tránh bị chính phủ theo dõi.

Khái niệm Tor phát triển từ một nghiên cứu mang tính kỹ thuật rất chuyên sâu mà Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tân tiến Quốc phòng thực hiện trong những năm 1990 và ban đầu được Văn phòng Nghiên cứu Hải quân Hoa Kỳ tài trợ. Kể từ đó, cơ sở hỗ trợ của Tor đã mở rộng, bao gồm cơ quan chủ quản của VOA – Ban Quản lý Phát thanh Truyền hình.

Ra mắt vào năm 2002, một số phiên bản mới của Tor đã được phát hành kể từ khi đó. Mỗi phiên bản mới thu hẹp những lỗ hổng an ninh tiềm năng mà những chính phủ có thể (hoặc đã) lợi dụng. Quan trọng nhất là hàng ngàn người tình nguyện rải rác khắp toàn cầu hình thành xương sống của Tor, tạo ra một mạng lưới riêng tư dàn trải nằm “ngoài tầm radar,” làm nhiệm vụ thu thập dữ liệu và chống lại việc do thám và chặn truy cập Internet.

Cách thức hoạt động

Thông thường khi bạn truy cập một website, dữ liệu được định tuyến từ máy tính của bạn đến mục tiêu của bạn thông qua mạng lưới toàn cầu những máy chủ công khai tạo nên World Wide Web. Về mặt thiết kế, mạng lưới này phần nhiều là mạng lưới mở, cho phép lưu lượng truy cập di chuyển dễ dàng từ máy tính này sang máy khác. Tuy nhiên, thiết kế mở này cũng khiến người dùng dễ bị tổn hại vì nhiều lỗ hổng an ninh.

Ngược lại, ngay từ lúc lên mạng, người dùng Tor truyền dữ liệu theo một ngả duy nhất thông qua một loạt ba loại nút Tor ngẫu nhiên – nút "vào", nút "trung chuyển" và nút "ra" – mỗi nút có khóa mã hóa duy nhất. Vì thiết kế ba loại nút lồng vào nhau, không một máy tính nào trong mạng lưới Tor biết nguồn cuối cùng hay điểm đến cuối cùng của lưu lượng truy cập, hoặc thậm chí những khóa mã hóa của những máy tính khác, vì thế giấu kỹ danh tính của người dùng.

Việc che giấu ẩn danh lưu lượng truy cập đi qua tiểu mạng lưới Tor là hết sức mạnh mẽ và rất khó xâm nhập. Gửi dữ liệu thông qua Tor cũng giống như chơi trò mèo bắt chuột mà trong đó con chuột được giấu kỹ ba lần, càng khó để con mèo phát hiện.

Tor có thể giúp tôi ra sao?

Tor có thể hữu ích khi muốn vượt chặn truy cập và vượt tường lửa, nhưng công dụng tốt nhất của nó là giúp ẩn danh để bảo vệ hoạt động của bạn khỏi sự theo dõi bên ngoài. Giả sử bạn lo lắng về việc chính phủ theo dõi những gì bạn làm trên mạng. Khi bạn tải bộ chương trình Tor về máy tính của bạn, bạn có thể vào Internet để truy cập website, tải lên và tải về và gửi email hoặc trò chuyện trực tuyến mà vẫn ẩn danh. Ngoài ra, số lượng lớn những máy chủ tình nguyện của Tor khắp thế giới khiến việc chặn Tor là một thách thức. Điều đó có nghĩa là dù một website như Facebook hay Google có thể bị chặn tại nước của bạn, bạn có thể đi đường vòng tránh sự ngăn chặn này bằng cách sử dụng mạng Tor ẩn danh.

Nhược điểm khả dĩ

Tor hiệu quả, nhưng không hoàn toàn bảo đảm tính ẩn danh và không hoàn toàn giúp tránh kiểm duyệt. Những người tình nguyện trong mạng lưới của Tor dường như phần lớn không bị tấn công tin tặc ở mức độ cao nhất, nhưng kẻ xấu có thể khai thác những lỗ hổng an ninh ở người dùng hoặc mục tiêu truy cập.

Những trình duyệt tiêu chuẩn như Firefox, Chrome, Internet Explorer và những trình duyệt khác đều có những lỗ hổng an ninh riêng mà có thể bị lợi dụng để thu thập thông tin cá nhân của bạn.

Đó là lý do tại sao người dùng Tor được khuyến khích sử dụng một trình duyệt đặc biệt có thể tải về kèm với Tor, chứ không phải là trình duyệt tiêu chuẩn riêng của mình. Bộ chương trình Tor cũng chặn những plug-in thuộc bên thứ ba như Java và Flash không được mã hóa và có thể đóng vai trò cửa ngõ cho việc do thám trên mạng.

Máy tính của người dùng cũng có thể bị nhiễm độc và bị khai thác trực tiếp bằng phần mềm độc hại và phần mềm theo dõi. Đây là một trong những kỹ thuật mà Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) được cho là đã sử dụng để thử và bẻ khóa danh tính của người sử dụng Tor. Điều này khiến Tor kém an toàn đi nhiều ở những nơi như quán cà phê Internet, nơi mà phần mềm gián điệp có thể dễ dàng được cài đặt.

Điều rất quan trọng cũng cần nhớ là dù danh tính của bạn được bảo vệ, đích đến cuối cùng của bạn thì không. Ngay sau khi dữ liệu rời khỏi mạng của Tor, dữ liệu một lần nữa trở nên công khai và dễ bị theo dõi. Điều đó có nghĩa là những website mục tiêu vẫn có thể bị chặn hoặc bị theo dõi, và nếu bạn gửi bất cứ thứ gì cho những người khác, họ cũng sẽ trở nên công khai.

Một cách tốt để giải quyết vấn đề này là sử dụng Tor kết hợp với VPN - một mạng lưới an toàn - ở phía đầu ra. Việc này sẽ bảo vệ bạn, và truyền dữ liệu của bạn đến mục tiêu truy cập của bạn.

Tóm lại

Nếu bạn muốn một công cụ bảo vệ tính riêng tư mạnh mẽ, và hữu ích trong việc tránh bị kiểm duyệt, Tor là một lựa chọn tuyệt vời.

Tuy nhiên, Tor phức tạp và có thể làm chậm đáng kể tốc độ truy cập mạng, vì vậy những người dùng dễ cảm thấy bực mình có thể muốn xem xét một công cụ khác. Nhận xét về giá trị của Tor, trong một tài liệu tối mật của NSA bị Edward Snowden rò rỉ, những chuyên gia phân tích của NSA gọi Tor là "... Vua của Ẩn danh Internet với độ an toàn cao và độ trễ thấp," nói thêm rằng" không có đối thủ nào đang chờ tranh ngôi vị."

So sánh các công cụ Ẩn danh Tránh kiểm duyệt Dễ di chuyển Mã hóa
DNS
Freegate
PGP
Psiphon
TOR (The Onion Router)
UltraSurf
VPN (mạng riêng ảo)