Psiphon là gì?
Psiphon được tạo ra bởi trung tâm tự do Internet "Citizen Lab" tại trường Đại học Toronto, trước khi được bàn giao cho một nhóm tư nhân để quản lý và bảo trì, bao gồm cơ quan chủ quản của đài VOA, Ban Quản lý Phát thanh Truyền hình.
Phát hành vào năm 2004, Psiphon cung cấp bảo mật và mã hóa giống như VPN trong một thiết kế nhanh gọn, dễ sử dụng. Không giống như những công cụ như Tor hay PGP, Psiphon sử dụng một loạt những thủ thuật kỹ thuật (HTTPS, SSH +, máy chủ proxy và những thứ khác) thay vì một thiết kế cụ thể để giúp người dùng tránh kiểm duyệt Internet.
Những phiên bản đầu tiên của Psiphon được tạo ra quanh một thứ được gọi là "mô hình tin cậy," nghĩa là người dùng trước tiên phải được mời tham gia bởi một người nào đó đã dùng Psiphon, như một người bạn, người thân hoặc nguồn liên lạc đáng tin cậy sống ở một nước không có kiểm duyệt Internet. Tuy nhiên những phiên bản mới nhất của Psiphon đã bỏ yêu cầu này.
Một sự khác biệt quan trọng giữa Psiphon và nhiều công cụ tránh kiểm duyệt khác là không có phần mềm cồng kềnh phải tải về và cài đặt. Tất cả những dịch vụ đều có thể được truy cập trực tuyến. Điều này có nghĩa là đối với những người dùng lo ngại về việc máy tính của mình bị lục tìm phần mềm bị cấm, không có thứ gì có thể được tìm thấy.
Cách thức hoạt động
Mỗi phiên bản kế tiếp của Psiphon đã trở nên dễ sử dụng hơn, và phiên bản mới nhất – Psiphon3 – là gọn nhẹ nhất.
Nó hoạt động như sau: người dùng tải một file vận hành (executable file) nhỏ trực tiếp vào máy tính của họ hoặc vào thẻ nhớ mà có thể chuyền tay sử dụng. Khi mở file này ra, một thông báo bảo mật của Windows sẽ xuất hiện hỏi xem có chạy Psiphon hay không. Đây là một bước xác minh quan trọng: bởi vì Psiphon chỉ là một file vận hành nhỏ và không phải là một chương trình đầy đủ, thông báo bảo mật của Windows sẽ tự động tạo ra một chứng chỉ bảo mật - giống như lấy dấu ngón tay bằng kỹ thuật số để xác nhận file này là đích thực và không phải là phần mềm độc hại.
Một khi người dùng nhấp chuột vào nút "run," file sẽ tự động mở một cửa sổ khách, là một hộp Windows nhỏ với logo của Psiphon, một vài ô lựa chọn, và mũi tên màu xanh dương quay vòng. Mỗi cửa sổ đi kèm với một danh sách được cập nhật thường xuyên gồm những máy chủ mà nó có thể kết nối, dù là thông qua SSH +, SSH hoặc VPN.
Psiphon sau đó sẽ cố gắng kết nối với một trong những máy chủ đã xác minh để kết nối với mạng Psiphon được mã hóa. Trong khi kết nối, mũi tên màu xanh dương sẽ tiếp tục quay vòng, và một khi nó tìm thấy và kết nối với một máy chủ, mũi tên biến thành một dấu màu xanh lá cây. Một khi người dùng nhìn thấy dấu này, họ biết rằng tất cả lưu lượng truy cập Internet của họ giờ đi qua mạng Psiphon, sẽ cho phép họ truy cập những website bị chặn hoặc bị kiểm duyệt.
Psiphon có thể giúp tôi ra sao?
Psiphon là một công cụ tránh kiểm duyệt khá mạnh mẽ và phần nào, nhưng không hoàn toàn, bảo vệ được sự riêng tư. Bởi vì người dùng truy cập Psiphon trực tuyến, do đó có thể rất hữu ích khi truy cập những website bị cấm từ máy tính công cộng, ví dụ như ở một quán cà phê Internet. Giả sử những máy tính đó không có phần mềm theo dõi thao tác bàn phím, và lịch sử lướt web sẽ bị xóa sau khi sử dụng, khó mà lần ra được với Psiphon.
Ví dụ bạn muốn truy cập Facebook, nhưng website này bị chặn ở nước của bạn. Một khi bạn có tài khoản Psiphon, bạn có thể đăng nhập thông qua một mạng lưới những máy chủ proxy kết nối với máy chủ chính của Psiphon. Khi vào được đó, cửa sổ trình duyệt an toàn màu xanh của Psiphon sẽ xuất hiện bên dưới cửa sổ địa chỉ chuẩn của trình duyệt của bạn. Nó không bảo đảm sự an toàn tuyệt đối (không có gì là an toàn tuyệt đối), nhưng nó có thể làm cho việc truy cập những website bị cấm dễ dàng hơn nhiều.
Nhược điểm khả dĩ
Có hai nhược điểm lớn. Thứ nhất là Psiphon chỉ được thiết kế để làm việc trên hệ điều hành Windows và Android và không hoạt động được trên Apple hay những hệ điều hành OS khác.
Thứ hai là Psiphon không được thiết kế như một công cụ ẩn danh hoàn toàn như Tor.
Dù lưu lượng truy cập được định tuyến trong mạng Psiphon được mã hóa, không có gì có thể ngăn bất cứ ai phát hiện ra máy tính của bạn được kết nối với một máy chủ Psiphon. Ngoài ra, những máy chủ Psiphon đó, dù liên tục thay đổi, song không bảo vệ khỏi việc phân tích lưu lượng truy cập từ bên ngoài, nghĩa là với những công cụ tinh vi, chính phủ có thể điều tra để phát hiện danh tính người dùng và bất kỳ lưu lượng truy cập không được mã hóa lưu thông qua máy chủ.
Một số nhà phân tích cũng lập luận rằng thiết kế đặc biệt của Psiphon có thể làm cho nó dễ bị tấn công trung gian. Trong những cuộc tấn công như vậy, một người dùng ẩn danh có thể tiếp cận thông tin an toàn lưu thông giữa hai điểm trên Internet, làm cho nó trông giống như một kết nối an toàn nhưng thực tế lại đang chặn giữ luồng dữ liệu.
Tóm lại
Psiphon là một công cụ khá mạnh mẽ để tránh kiểm duyệt của chính phủ, và ở một mức độ thấp hơn, bảo vệ sự riêng tư của bạn. Nó dễ sử dụng, và bởi vì nó hoạt động như một máy khách – gần giống như ứng dụng đám mây – nên có rất ít nguy cơ chính quyền sẽ tìm thấy bằng chứng của việc bạn sử dụng Psiphon trực tuyến.