X
Ký hiệu
  • Trung Quốc
  • Philippines
  • Đài Loan
  • Việt Nam
  • Brunei
  • Malaysia

Vùng biển tranh chấp

Brunei và Malaysia là hai quốc gia gần đây nhất tuyên bố chủ quyền một phần ở Biển Đông. Cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền các thực thể nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của họ theo quy định của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển UNCLOS. Tuy nhiên, Brunei không tuyên bố chủ quyền hòn đảo nào. Còn Malaysia, nước có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại với Trung Quốc, tuyên bố chủ quyền vài hòn đảo ở Trường Sa.

Map of Brunei's claims in the South China Sea
  • Brunei
  • Malaysia

Brunei

Đôi khi được mệnh danh là ‘nước tuyên bố chủ quyền thầm lặng’ ở Biển Đông, Brunei thoạt tiên khẳng định chủ quyền đối với một khu vực gần như hình chữ nhật trên vùng biển có tranh chấp ngay sau khi giành được độc lập từ Anh vào năm 1984.

Các thực thể như Bãi ngầm Ba Kè, Đá Louisa, Bãi ngầm Chim Biển, và Bãi Vũng Mây đều lọt vào vùng đặc quyền kinh tế của Brunei, nhưng vương quốc giàu dầu mỏ nhỏ bé này chỉ tuyên bố chủ quyền Đá Louisa nằm trên thềm lục địa của họ. Đá Louisa là một phần của quần đảo Trường Sa cho nên Trung Quốc và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền đối với thực thể này.

Brunei là quốc gia duy nhất không chiếm đóng bất kỳ thực thể hàng hải nào và cũng không duy trì hiện diện quân sự trong khu vực.

Lợi ích kinh tế chính

Năng lượng: Nguồn tài nguyên hydrocarbon đang suy giảm nhanh chóng của Brunei chiếm khoảng 60 phần trăm tổng sản phẩm nội địa (GDP) và 90 phần trăm tổng lợi nhuận xuất khẩu của nước này. Theo World Factbook của CIA: “Dầu thô và sản lượng khí tự nhiên chiếm gần 65 phần trăm GDP và 95 phần trăm hàng xuất khẩu của Brunei, với Nhật Bản là thị trường chính.” Phát triển các mỏ dầu khí ngoài khơi, cả trong lãnh hải lẫn trong vùng đặc quyền kinh tế của Brunei, được đề ra trong khuôn khổ chương trình tầm nhìn quốc gia dài hạn “Wawasan Brunei 2035.”

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, Brunei có trữ lượng 1,5 tỷ thùng dầu thô và khí thiên nhiên lỏng, và khoảng 425 tỷ mét khối khí tự nhiên dưới đáy biển.

Đánh bắt: Theo tổ chức Oxford Business có trụ sở tại London, sản lượng thủy sản của Brunei năm 2015 trị giá 78,3 triệu đô la, chiếm 0,4 phần trăm GDP của năm.

Vận tải đường biển: Gần như tất cả các hàng hóa và thực phẩm của Brunei đều nhập khẩu.

Thủ tướng Malaysia, Najib Razak, bên trái, hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương ở Manila, Philippines, năm 2015. Ông Najib tới thủ đô Bắc Kinh ngày 1 tháng 11 năm 2016 trong chuyến thăm sáu ngày. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu hết vùng biển chiến lược chồng lấn với các khu vực mà Malaysia nhận chủ quyền. (AP/ Susan Walsh)

Map of Malaysia's claims in the South China Sea
  • Brunei
  • Malaysia

Malaysia

Malaysia tuyên bố chủ quyền một phần Biển Đông về hướng bắc của Borneo, trong đó bao gồm ít nhất là 12 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa, kể cả Đảo An Bang và Bãi Thuyền Chài mà Việt Nam chiếm đóng cùng với Đá Công Đo do Philippines chiếm đóng. Trong số các bãi cạn lúc chìm lúc nổi mà Malaysia nhận chủ quyền, chỉ có ba bãi chìm hoàn toàn nằm trên thềm lục địa của họ.

Malaysia kiểm soát

Đá Hoa Lau, Đá Kỳ Vân, Bãi Kiêu Ngựa, Đá Én Ca, và Bãi Thám Hiểm. Theo CNA có trụ sở tại Mỹ, một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận vận hành Trung tâm Phân tích Hải quân và Viện Nghiên cứu công, đây có lẽ là những thực thể mà Malaysia nhận chủ quyền duy nhất có thể tạo ra các khu vực hàng hải.

Lợi ích kinh tế chính

Năng lượng: Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, Malaysia có trữ lượng 5 tỷ thùng dầu thô và khí thiên nhiên lỏng, 2265 tỷ mét khối khí tự nhiên dưới đáy biển. Đây là số ước tính khả dĩ đã được chứng minh cao nhất trong các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Đánh bắt: Malaysia là nước khai thác hải sản lớn thứ 15 trên thế giới. Theo CNA có trụ sở tại Mỹ, một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận vận hành Trung tâm Phân tích Hải quân và Viện Nghiên cứu công, Malaysia sản xuất 1,5 triệu tấn cá trong năm 2012, chiếm 1,85 phần trăm tổng sản lượng toàn cầu của năm.

Cơ sở hạ tầng khu vực

Malaysia duy trì một đường băng cho các máy bay C-130 trên Đá Hoa Lau và sự hiện diện quân sự trên Bãi Thám Hiểm, Đá Kỳ Vân, Bãi Kiêu Ngựa, và Đá Én Ca, theo Robert Kaplan, trưởng phân tích gia địa chính trị cho Stratfor.

Trong năm 1983, lực lượng hải quân Malaysia bồi cát vào một kênh đào chia tách hai bãi đá để tạo ra hòn đảo nhỏ Layang Layang rộng 20 hecta mà giờ đây là khu du lịch lặn biển sâu. Khu nghỉ mát 3 sao Avillion Layang Layang này gồm 86 phòng khách bên trong nửa chục cao ốc làm bằng gỗ nhiệt đới. Khu nghỉ mát này cung cấp cho du khách một hồ bơi nước ngọt, các bể tắm Jacuzzi, spa, nhà hàng và quầy bar thanh lịch tại tiền sảnh.