VOA Tiếng Việt
Phiên xử giữa doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình, một nhà đầu tư Hà Lan gốc Việt, kiện chính phủ Việt Nam “vi phạm thỏa thuận”, với mức đòi bồi thường “tối thiểu 1,25 tỷ USD”, bắt đầu diễn ra hôm 21/8 tại Tòa Trọng tài Quốc tế ICC, Paris, Pháp.
Nhà triệu phú 70 tuổi cho VOA Việt Ngữ biết qua email, rằng ông trên đường tới Trung tâm Trọng tài Quốc tế ở thủ đô nước Pháp, để dự phiên xử. Và sau đó không có tin tức gì thêm. Ông Trịnh Vĩnh Bình đã ngưng tiếp xúc với báo chí kể từ những ngày cuối tháng Bảy, theo yêu cầu của Tòa Trọng tài Quốc tế, quyết định sau khi có khiếu nại của chính phủ Việt Nam.
Phiên tòa dự kiến diễn ra trong khoảng từ 8 đến 10 ngày, theo thông tin ông Bình cho biết trước đây.
Luật sư đại diện cho ông Bình tại phiên tòa là hãng luật danh tiếng của Mỹ, King & Spalding LLP. Luật sư đại diện cho Chính phủ Việt Nam là hãng luật hàng đầu của Anh, Freshfields Bruckhaus Deringer.
Đây là lần thứ 2 ông Bình kiện chính phủ Việt Nam ra Tòa Trọng tài Quốc tế.
Tháng 1/2015, ông Bình nộp đơn kiện chính phủ Việt Nam với lý do Hà Nội không thực hiện đúng cam kết trong thỏa thuận mà 2 bên đã đồng ý vào năm 2005, trong vụ kiện lần đầu.
Cách đây 14 năm, ông Bình, một doanh nhân thành công trong ngành thực phẩm với biệt danh “Vua Chả Giò” ở Hà Lan, kiện chính phủ Việt Nam ra tòa án quốc tế với mức đòi bồi thường 100 triệu USD. Trong vụ kiện năm 2005, ông Bình được tổ hợp luật sư Mỹ, Covington Burling đại diện, đạt được thỏa thuận ngoài tòa với chính phủ Việt Nam. Chính phủ Việt Nam miễn án và bồi thường cho ông Bình 15 triệu USD; khi ông Bình có đơn kiến nghị, Chính phủ Việt Nam xem xét trả lại những tài sản “hợp lý” của ông Bình. Đổi lại, ông Bình rút đơn kiện khỏi Tòa Quốc tế và không tiết lộ nội dung thỏa thuận.
Vụ kiện đang diễn ra ở Paris lần này có nguyên ủy từ những năm cuối thập niên 1990 khi ông Bình về Việt Nam đầu tư, rồi bị chính phủ Việt Nam tuyên án 13 năm tù về tội “vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai” và tội “đưa hối lộ.”
Sinh ra ở Bạc Liêu, Cà Mau, ông Bình đã cùng gia đình vượt biên năm 1976 sau đó định cư ở Hà Lan. Khởi nghiệp với 2 tiệm thực phẩm, ông Bình sau đó đã trở thành nhà triệu phú và trở về Việt Nam theo tiếng gọi “về nước đầu tư.” Hưởng ứng chính sách khuyến khích Việt kiều về nước đầu tư, ông Bình mang theo gần 2,5 triệu USD và 96 kg vàng. Ông kinh doanh ở mọi lĩnh vực từ khách sạn cho tới thủy-hải sản cho tới nông-lâm sản cho tới xuất khẩu.
Ông Bình nói với VOA rằng khi về Việt Nam kinh doanh, ông “chỉ nghĩ là thử thôi.” Nhưng ông đã nhân được số vốn ban đầu đưa về Việt Nam lên 8 lần chỉ trong vòng 6 năm trong lĩnh vực đất đai và bất động sản.
Theo nhận định của cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, “ông Bình trở nên thành công và khá nổi tiếng ở Việt Nam” lúc đó nhưng cũng cho rằng sự thành công quá nhanh này đã “tạo ra một sự cuốn hút không bình thường.”
Vào năm 1996 ông Bình bất ngờ bị bắt với cáo buộc “trốn thuế” và “đưa hối lộ.”
Một trong những nguyên nhân mà ông Bình đòi chính phủ Việt Nam bồi thường tại vụ kiện lần này ở Paris là sự vi phạm nhân quyền do nhốt người oan sai. Ông Bình từng bị tạm giam hơn 18 tháng trước khi đưa ra xét xử tội “trốn thuế” theo cáo buộc của Việt Nam. Với sự can thiệp của chính phủ Hà Lan, ông Bình được tại ngoại và vượt biên lần thứ 2 trước khi bị bắt “để thi hành án 11 năm tù.”
Trước khi phiên tòa ở Paris bắt đầu, cựu Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm nói với VOA rằng ông và nhiều quan chức khác của chính phủ Việt Nam đã tìm cách “dàn xếp êm thấm vụ việc” để không ảnh hưởng đến quan hệ 2 nước Việt Nam-Hà Lan nhưng không thành công vì sự mâu thuẫn trong nội bộ của chính phủ về lợi ích cũng như chi phối của lực lượng an ninh. Cũng theo lời nhà cựu ngoại giao hàng đầu của Việt Nam, sở dĩ chính phủ Việt Nam bội ước thỏa thuận ngoài tòa của vụ kiện trước vì “việc trả lại các tài sản cho nguyên đơn đã không thực hiện được… do các tài sản bị tẩu tán, thay đổi chủ sở hữu.”
Ông Cầm, từng là bộ trưởng ngoại giao trong thời gian 1991-2000, nói “mọi chuyện bây giờ phụ thuộc theo cán cân công lý” và ông cho rằng dù Tòa trọng tài ở Paris có ra phán quyết thế nào thì “đây sẽ là một vụ kiện để lại nhiều bài học kinh nghiệm cần phải rút ra.”
Theo quy trình tố tụng trọng tài tại Tòa án ICC, mọi phán quyết đều sẽ mang tính ràng buộc đối với các bên. Bằng việc đưa tranh chấp ra trọng tài theo quy tắc này, ông Bình và chính phủ Việt Nam đã phải nhất trí thi hành bất kỳ phán quyết nào mà không có sự chậm trễ.