Khánh An
VOA – Với số tiền gần 2,5 triệu đô la và 96 kg vàng mang về Việt Nam đầu tư, ông Trịnh Vĩnh Bình kinh doanh ở mọi lãnh vực: khách sạn, thủy sản, hải sản, xuất khẩu, nông sản, rau quả, trồng rừng… Nhưng chiến lược nhất, có lẽ là lãnh vực đất đai, vì theo như lời ông, “tôi có những bài toán lâu dài chứ không phải như Việt Nam nói là kinh doanh địa ốc.” Ngay vào thời điểm đó, ông đã mua nhiều mặt bằng sát nơi được quy hoạch sau này xây phi trường Long Thành, để làm trụ sở công ty và xây nhà kho. Trong vòng 6 năm, giá trị số vốn ban đầu ông Bình đưa về Việt Nam được nhân lên hơn 8 lần. Và cũng từ đây, con đường lao lý bắt đầu mở ra, đưa đến “vụ án Trịnh Vĩnh Bình” mà việc giải quyết phải “theo ý kiến chỉ đạo và báo cáo kết quả với Thường vụ Bộ Chính trị.” Xin theo dõi sau đây.
***
Với những dự án tiềm năng đang tiến triển nhanh và mạnh, con diều đầu tư đang “no gió” của Trịnh Vĩnh Bình bắt đầu đi vào vùng bão tố.
“Năm 1996, phát sinh từ chuyện trong công ty, những người làm trong đó, có cả người trong gia đình, tìm cách ăn cắp một số tiền khá lớn, khoảng mấy trăm ngàn đôla.” Ông Bình nhớ lại.
Câu chuyện đổ bể. Ban giám đốc cũ bị sa thải. Ban giám đốc mới của Công ty Bình Châu muốn đem vụ việc giải quyết rõ ràng nên trình báo công an.
Theo lời ông Bình, nhóm bị sa thải gồm 3 người, trong đó có người ông nhờ đứng tên doanh nghiệp và tài sản. Sau đó, lo sợ bị bắt và phải trả lại tiền, nhóm này đút lót cho phía an ninh để tìm sự che chở.
“Khi họ [an ninh] nhảy vô, thì bên này những người ăn cắp đồ lại trở thành người hợp tác với họ. Họ ra tay trước. Họ chụp mũ tôi đầu tiên về tội trốn thuế rồi họ bắt tôi.” Ông Bình kể với VOA.
Ông Bình cho biết khi công an đến khám xét và tịch thu đồ đạc trong Công ty Bình Châu, ông đang ở Hà Lan và nhận được cảnh báo từ luật sư của mình lúc bấy giờ: “Đừng về, bên an ninh đang chuẩn bị bắt anh đấy.”
“Tôi nghĩ tôi đâu có làm gì sai đâu mà sợ. Tôi vẫn về. Đầu tiên là Thiếu tá Ngô Chí Đan mời tôi lên văn phòng. Vì ở Hà Lan làm ăn theo kiểu mở cửa minh bạch, tôi không biết đút lót. Nếu lúc đó mà tôi biết đưa cho họ một số tiền, đưa cho họ một bì thư lớn thì họ đã dẹp vụ này rồi. Nhưng tôi không biết.” Vẫn lời ông Bình.
Trong cuộc nói chuyện với viên chức đứng đầu phòng điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (PA 24), ông Bình cho biết ông đã cố gắng trình bày những ý nguyện, hoài bão tốt đẹp mà ông ấp ủ muốn làm tại Việt Nam.
Nhưng, những điều ông nghĩ không giống với điều “họ” nghĩ. Ông Bình nói: “Họ đâu cần nghe những điều đó đâu. Họ cần nhìn thấy cái bì thư. Nhưng tôi lại không biết”. “Khi chuẩn bị về, ảnh có nói một câu ‘Thôi, tôi nghe rồi. Anh cứ về đi rồi tôi suy nghĩ lại’”.
Trả lời phỏng vấn VOA ngày 14/7/2017, ông Trịnh Vĩnh Bình nói sau này ông mới biết Ngô Chí Đan cùng với người anh rể là Phạm Văn Phương (thường được gọi là “Phương Xoăn” hay “Phương Vicarrent”), “dính” đến nhiều vụ khác, được báo chí trong nước nhắc nhiều trong hai năm 2003, 2004.
Chẳng hạn, báo chí tường thuật lời khai của các nhân chứng, bị can, bị hại… trong Vụ án Phương Vicarrent cho biết thế lực của nhóm này lớn đến nỗi có thể thay cả Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, khiến hầu hết doanh nghiệp, kể cả nhiều quan chức địa phương, đều phải khiếp sợ và tự động nộp tiền để được yên thân, theo báo Người Lao Động ngày 9 tháng Tư, 2004.
Giám đốc Công ty Xây dựng và Phát triển Đô thị Bà Rịa-Vũng Tàu thời đó, ông Nguyễn Minh Hoàng, khai ông nộp tiền “không phải do sợ Phương mà là sợ những người đứng phía sau bị cáo”, theo VnExpress ngày 3/12/2003.
Vị giám đốc này còn cho biết “Phương nắm rất nhiều thông tin về chuyện làm ăn của công ty mà tôi chắc rằng những thông tin này chỉ có từ cơ quan chuyên môn. Tôi rất sợ quyền lực đen của Phương vì tôi thấy nó cực kỳ mạnh”, vẫn theo VnExpress.
Ngày 5/12/1996, ông Trịnh Vĩnh Bình chính thức bị bắt với cáo buộc tội “trốn thuế.”
Cáo buộc ban đầu này sau đó nhanh chóng được chuyển đổi thành “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” và tội “hối lộ,” vì “thiếu căn cứ,” theo lời Luật sư Nguyễn Minh Tâm, một trong những luật sư của ông Bình lúc bấy giờ, nói với VOA:
“Đầu tiên là khởi tố về tội trốn thuế. Quan điểm của chúng tôi cho rằng không [đủ chứng cứ] cấu thành tội trốn thuế. Sau đó chuyển sang tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai và một số việc khác.”
Ông Bình cho biết sau khi cơ quan chức năng đọc lệnh bắt, ông lên tiếng phản đối, nói “Tôi vô tội,” và yêu cầu thông báo vụ việc cho Đại sứ quán Hà Lan.
Ông Trịnh Vĩnh Bình bị tạm giam hơn 18 tháng trước khi được đưa ra xét xử.
Trong thời gian này, ông Bình cho biết ông không được phép tự ý chọn luật sư, mà PA 24 chỉ định luật sư cho ông và buộc ông phải trả 50 triệu đồng cho luật sư này.
Ông Bình kể với VOA rằng điều kiện giam giữ khắc nghiệt trong thời gian này đã khiến ông suy sụp hoàn toàn và từng nghĩ đến chuyện tự tử.
Bị tạm giam, có lẽ ông Bình không biết được rằng, chuyện của ông được thảo luận căng thẳng ở nhiều cấp, từ địa phương đến trung ương, xoay quanh việc “xử lý” mình.
Văn bản VOA Việt Ngữ có được, ghi lại cuộc họp ngày 3/5/1998 tại trụ sở Tổng cục I-Bộ Nội vụ TP.HCM của Ban chỉ đạo liên ngành bao gồm Bộ Nội vụ, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao Ban Nội chính Trung ương cho thấy cuộc họp có sự hiện diện của hàng chục giới chức cấp cao như Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Khánh Toàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC Phạm Sỹ Chiến, Phó Chánh án TANDTC Mai Ngọc Trinh, Vụ trưởng Ban Nội chính Trung ương Trần Đại Hưng…
Theo văn bản này, “hoạt động của ông Trịnh Vĩnh Bình từ năm 1990 đến khi bị bắt là vi phạm pháp luật Việt Nam rất nghiêm trọng” và việc “xử lý Trịnh Vĩnh Bình đúng pháp luật vừa đảm bảo được sự nghiêm minh của pháp luật, vừa bảo vệ chủ quyền Việt Nam và giải quyết được vấn đề đối ngoại”.
Văn bản ghi rõ “hành vi phạm tội cụ thể của Bình là: Vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai (điều 180 BLHS) và tội hối lộ cho Nguyễn Văn Huề 100 triệu đồng thông qua trung gian là các tên Thanh và Luyện (điều 227 BLSH).”
VOA đề nghị phỏng vấn và xác minh văn bản này với đại diện Bộ Tư Pháp Việt Nam nhưng không nhận được câu trả lời.
Một trong hai nhân vật có tên trong văn bản này, sau này, vào tháng Bảy, 2002, làm một “Đơn xin minh oan cho ông Trịnh Vĩnh Bình,” trong đó có đoạn, do biết có xung đột giữa mình và Trịnh Vĩnh Bình, “Ngô Chí Đan và ông Nguyễn Đức Trịnh đã lợi dụng cơ hội này xúi tôi vu cáo ông Trịnh Vĩnh Bình, mục đích để tịch thu tài sản.”
Ngày 12/6/1998, Ban Thường vụ Đảng Cộng sản của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gửi một văn bản gửi cho Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Thủ tướng Phan Văn Khải để xin ý kiến chỉ đạo. Văn bản có đoạn viết: “Vụ án [Trịnh Vĩnh Bình] này dư luận trong xã hội đang quan tâm, nhất là cán bộ hưu trí cựu chiến binh là: Ta xử hay không xử.”
Ngoài ra, văn bản này cũng nêu lên những “khó khăn” của địa phương về ý kiến trước đó của Viện Kiểm sát Tối cao đề nghị cho phép ông Bình tại ngoại. Ban Thường vụ tỉnh cho biết gặp khó khăn trong việc xác định mức tiền đóng tại ngoại “tương xứng với sự vi phạm nghiêm trọng” và sẽ khó đảm bảo ngăn chặn việc thông cung, nội bộ công ty [của ông Bình] thanh toán lẫn nhau và ông Bình có thể bỏ trốn ra nước ngoài.
Do đó, vẫn theo văn bản ngày 12/6/1998, Ban Thường vụ tỉnh đề nghị tòa án xét xử ngay vì “đã có kết luận tội của Bình. Sau khi có bản án thi hành, sẽ thực hiện chính sách khoan hồng của ta. Như vậy Bình sẽ không nói xấu ta được vì đã tuyên án. (Phương án này ta nắm đằng chuôi).”
VOA Việt Ngữ không nhận được hồi âm từ đại diện Bộ Tư pháp Việt Nam liên quan đến đề nghị phỏng vấn và xác minh văn bản nêu trên.
Tiếp đó, một văn bản được đóng dấu “Mật” do Trưởng ban Thường vụ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Trần Đình Hoan, gửi Ban Thường vụ tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu, Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Ban cán sự đảng TAND Tối cao, Ban Nội chính Trung ương ngày 23/6/1998, chỉ đạo “việc tổ chức xét xử cần được chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ,” “giải quyết vụ án theo ý kiến chỉ đạo trên và báo cáo kết quả với Thường vụ Bộ Chính trị”, “có thể cho [ông Bình được] tại ngoại theo yêu cầu của Đại sứ quán Hà Lan” và “sau khi Bình được xét xử thì trục xuất khỏi nước ta.”
Ngày 2/8/2017, VOA liên lạc với ông Trần Văn Khánh, nguyên Bí thư tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhưng cựu viên chức này cho biết ông đang bận và từ chối trả lời các câu hỏi về vụ án Trịnh Vĩnh Bình.
Ngày 11/12/1998, Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyên án 13 năm tù đối với ông Trịnh Vĩnh Bình về tội vị phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai và tội đưa hối lộ, phạt 400 triệu đồng, tịch thu tài sản được cho là “sang nhượng bất hợp pháp”.
Đại tá, Luật sư Lê Mai Anh, nguyên cán bộ Viện Kiểm sát Tối cao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng Hội Luật gia Việt Nam, sau khi xem hồ sơ vụ án Trịnh Vĩnh Bình, nhận định “hồ sơ không có chứng cứ cụ thể, chính xác”. Ông nói bản án chỉ dựa chủ yếu vào lời cung của các nhân chứng:
“[Họ] trọng cung hơn là trọng chứng. Mà cung cũng là ép cung, mớm cung hoặc dọa cung là có. [Họ] sử dụng cung nhiều quá mà chứng lại không có”.
Vị luật gia từng làm việc tại Viện Kiểm sát Tối cao biện luận:
“Ông ấy đứng tên người khác theo đúng hướng dẫn của chính phủ Việt Nam là ông phải đứng tên người khác. Vì lúc ấy, nó không cho người nước ngoài, người có quốc tịch nước ngoài mua nên ông ấy phải đứng tên người khác. Ông đã thực hiện đúng như ý của họ. Sau đấy họ lại cho là ông ấy mua đất đai, nhà xưởng… là không hợp pháp. Thì chẳng hiểu thế nào là hợp pháp nữa. Bảo ông ấy thế nào thì ông ấy làm đúng như thế. Chứ ông ấy có làm sai đâu”.
Ngày 24/7/2017, VOA liên lạc với Thứ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam, Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, để tìm hiểu về vụ án. Nhưng ông Hiếu cho biết Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc là người phụ trách vụ này. Ngày 25/7, VOA nhận được trả lời từ Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc rằng ông đang “bận” và từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến vụ Trịnh Vĩnh Bình.
Bản án của ông Trịnh Vĩnh Bình cũng gây nhiều tranh cãi trong dư luận vào thời điểm đó.
Báo Pháp Luật TP.HCM trong bài viết ngày 29/12/1998 đặt câu hỏi: Bản án Trịnh Vĩnh Bình – “Liệu có phù hợp với chủ trương khuyến khích Việt kiều về nước đầu tư?”
Trong mục “Đầu tư chui cũng không có tội,” bài báo này khẳng định tình trạng phổ biến “có hàng ngàn nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư chui” tại Việt Nam vào lúc này và “Nếu việc này là sai trái thì liệu có đến mức xử lý hình sự không?”
Bài báo khẳng định vào thời điểm xử vụ án, việc đầu tư chui này đã được “hợp pháp hóa” qua Quyết định 767/TTg do Thủ tướng Việt Nam ban hành ngày 17/9/1997.
Ngày 25/2/1999, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan có thư khẩn gửi Bộ Ngoại giao Việt Nam. Trong đó trích dẫn các khoản, mục trong Quyết định trên của Thủ tướng, đồng thời yêu cầu chính phủ Việt Nam hoãn thi hành án cho trường hợp của ông Trịnh Vĩnh Bình cho đến khi các chính sách mới trên được làm rõ.
Sau bản án sơ thẩm, ông Bình làm đơn kháng cáo, gửi đơn thư khiếu nại, cầu cứu lên khắp các cơ quan nhà nước, thậm chí lên các quan chức cấp cao ở trung ương.
“Lúc tôi bị giữ, gia đình tôi có làm đơn. Thủ tướng Phan Văn Khải thấy rõ ràng, theo giấy ông ấy viết và có gửi một bản copy cho gia đình, ông ấy yêu cầu Bộ trưởng Lê Minh Hương. Ông ấy viết rằng ‘Bộ trưởng Lê Minh Hương, anh xem lại trường hợp của anh Bình. Không sai phạm đến nỗi phải giữ. Anh chỉ đạo công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, anh Bình không có lỗi đến phải xử. Vì ảnh nghe lời người trong nước, bị họ lấy tiền rồi làm bậy’, đại khái vậy”.
Tuy nhiên, nỗ lực của ông Bình và một số quan chức Việt Nam không mang lại hiệu quả.
Theo nhận định của cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, khi các “thế lực khác vào cuộc,” nội vụ “trở nên phức tạp muôn phần.”
Cựu Đại sứ Việt Nam nói: “Việt Nam có câu ‘đục nước béo cò’ có lẽ khá đúng trong trường hợp này. Mà ‘cò’ ở đây lại là những con cò lớn và nhiều khi không xuất đầu lộ diện.”
Sau phiên phúc thẩm, bản án của ông Bình giảm từ 13 năm xuống thành 11 năm tù (năm 1999). Báo Thanh Niên ngày 14/7/2012 cho hay nhiều tài sản (nhà và đất) của ông Bình được tòa phúc thẩm giao cho UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai tịch thu. Hai cơ sở sản xuất (diện tích gần 40.000 m2) cùng 9 căn nhà trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giao cho Cục Thi hành án dân sự bán đấu giá.
“Phiên xử sơ thẩm đến phúc thẩm không thay đổi gì mấy. Tôi thấy tình hình không êm rồi. Họ có giấy triệu tập tôi trở lại trại tù. Họ cho tôi thời gian 7 ngày. Trong thời gian đó, tôi tiếp tục làm đơn khiếu nại, nhưng thấy không êm rồi. Tới giờ chót, tức ngày hôm sau đi trình diện thì tôi trốn.” Ông Bình nhớ lại thời điểm quyết định liên quan đến vận mệnh mình cách đây gần 20 năm.
Kỳ sau: Bản án Trịnh Vĩnh Bình tạo căng thẳng ngoại giao Việt Nam – Hà Lan ra sao? Làm thế nào ông Trịnh Vịnh Bình đưa được chính phủ Việt Nam vào vị trí Bị đơn ở Tòa trọng tài Quốc tế? Thỏa thuận Singapore bao gồm những gì? Xin xem tiếp kỳ sau.