Khánh An
Trước năm 1975, gia đình ông Trịnh Vĩnh Bình có một cửa hàng bán sỉ vải ở Thương xá Châu Hải Thành, quận 6, Sài Gòn.
Gia đình ông còn làm thêm nghề nuôi tằm, dệt vải.
Năm 1976, ông cùng vợ, 3 con và vài anh em vượt biên ra nước ngoài. Sống tại trại tạm cư Songkhla, Thái Lan, hơn 4 tháng thì gia đình được sắp xếp đi định cư theo diện tị nạn tại Hà Lan.
Năm ấy, ông Bình 29 tuổi.
Những năm đầu chân ướt chân ráo đến quốc gia Âu châu xa lạ, ông Bình kiếm sống bằng cách đi “làm hãng” và làm nghề thông dịch viên, mặc dù “vốn tiếng Hà Lan còn rất yếu.”
Nung nấu ý định tiếp tục kinh doanh, ngoài giờ làm, ông tranh thủ đăng ký học khóa vải sợi thời trang tại Đại học Mở Detex Amsterdam, với ý định sẽ làm giàu với nghề “gấm hoa” đã từng có nhiều kinh nghiệm từ Việt Nam.
Tuy nhiên, sau những lần đi khảo sát và phát hiện thị trường vải sợi châu Âu những năm đầu thập niên 1980 xuống dốc trầm trọng, trong khi ngành thực phẩm lại có nhiều cơ hội phát triển, ông Bình nảy ý định chuyển sang kinh doanh thực phẩm xuất khẩu ra thế giới.
Tốt nghiệp đại học năm 1984, ông bắt đầu đăng ký làm đại lý xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm có tiếng như sữa đặc Omela của hãng C.C. Firesland (tức sữa “Cô Gái Hà Lan” hiện nay), xì dầu Maggi của hãng Nestle…
Nhập quốc tịch Hà Lan năm 1985, ông tiếp tục học lấy bằng Quản trị Kinh doanh. Sau khi tốt nghiệp năm 1986, ông mở thêm hai tiệm thực phẩm (loại mini market) tại Hà Lan và bắt đầu nghiên cứu sản xuất chả giò, món ăn khai vị rất được ưa thích của Việt Nam, theo công nghệ tự động.
Năm 1989, sau khi xây dựng xong nhà máy sản xuất chả giò, ông Bình bắt đầu cung cấp chả giò cho các hệ thống siêu thị tại Hà Lan, sau đó là Bỉ và Anh quốc.
Trong một thời gian ngắn, thương hiệu chả giò Trinh’s (Trịnh) đã được biết tiếng và xếp hàng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Mora của Unilever và Duif của Bols Wassanen.
Ông Trịnh Vĩnh Bình trở thành triệu phú tại Hà Lan với biệt hiệu “Vua Chả Giò.”
Ý định về Việt Nam đầu tư xuất phát từ một lần ông Bình đến Tòa đại sứ Việt Nam tại Pháp (lúc đó Việt Nam chưa có đại sứ quán tại Hà Lan) để xin visa về nước thăm gia đình.
“Khi tôi đến xin visa, bên sứ quán ra tiếp chuyện. Khi biết tôi có làm ăn bên Hà Lan, họ bắt chuyện và tìm cách khuyến khích tôi về Việt Nam nghiên cứu đầu tư.” Ông Bình nói với VOA.
Những ngày sau đó, vào dịp Tết hay bất cứ cuộc hội thảo khuyến khích đầu tư nào của Việt Nam, ông Bình đều nhận được thư mời của chính phủ Việt Nam và đến tham dự.
Tháng Hai, 1990, ông Bình quyết định về “khảo sát thị trường.”
Trong cuộc phỏng vấn với VOA ngày 7 tháng Tám, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan giai đoạn 1998 – 2001, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nhớ lại, ông Trịnh Vĩnh Bình “không chỉ xin tư vấn về pháp lý,” mà còn “xây dựng các quan hệ rất chặt chẽ với các địa phương nơi ông ấy cư trú và hoạt động kinh doanh.”
Cựu Đại sứ Việt Nam cũng cho biết công tác ngoại giao của Việt Nam trong giai đoạn này tập trung vào chiến lược hội nhập quốc tế và thu hút đầu tư nước ngoài. Chính sách khuyến khích đầu tư vào Việt Nam được đưa ra nhằm “khai thác tối đa lợi ích của đầu tư trực tiếp từ nước ngoài” (FDI), vì so với viện trợ ODA, “nguồn tiền FDI có chỗ linh hoạt hơn rất nhiều.”
Việt Nam, sau 10 năm trở lại, khác xa với những gì ông Bình hình dung.
“Khi về Việt Nam, tôi thấy rõ ràng, Việt Nam sau một thời gian xa vắng đã thay đổi quá nhiều. Thay đổi tệ đi quá nhiều. Là một người làm kinh doanh, tôi thấy rõ bây giờ mình có sự chọn lựa: tiếp tục kinh doanh ở xứ người hay là về đầu tư thử ở Việt Nam. Lúc đó tôi chỉ nghĩ là thử thôi.”
Khi bàn bạc với gia đình về quyết định đầu tư vào Việt Nam, ông Trịnh Vĩnh Bình cho biết gia đình ông “chia làm 2 phe.”
Một bên ngăn cản, cho là về Việt Nam “rất nguy hiểm.”
Một bên ủng hộ, cho là “sớm, có nguy hiểm, nhưng cũng là cơ hội.”
Bản thân ông Bình đánh giá Việt Nam lúc này “có một khoảng trống lớn” để đầu tư.
Ông nói với VOA: “Lá rụng về cội, thâm tâm tôi cũng đã nghĩ một ngày nào đó sẽ về Việt Nam đầu tư.”
Quyết định bán cơ sở kinh doanh tại Hà Lan, tháng Sáu, 1990, ông Trịnh Vĩnh Bình bắt đầu chuyển những đồng đôla đầu tiên về nước.
Sau gần 60 lần nhập cảnh, ông Bình mang về nước 2,328,250 đôla và 96 ký vàng, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán, Tổng cục hải quan Việt Nam và Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất.
Kỳ sau: Quyết định đầu tư vào Việt Nam của ông Bình có “nguy hiểm” như cảnh báo của thân nhân không? Làm thế nào chỉ trong khoảng hơn 6 năm, ông Trịnh Vĩnh Bình đã nhân giá trị đầu tư ban đầu lên hơn 8 lần? Xin theo dõi tiếp Kỳ 2: “Lên như diều gặp gió”.