Khánh An (thực hiện)
Hoàng Long (chuyển ngữ)
VOA – Giáo sư Joris Voorhoeve, trong tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan (1994 – 1998), đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy Chính phủ Hà Lan yêu cầu Chính phủ Việt Nam giải quyết vụ án Trịnh Vĩnh Bình.
TS Voorhoeve hiện là giảng viên Đại học Leiden và là một chuyên gia về Quan hệ Quốc tế.
Với các vị trí như lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do, đảng cầm quyền của Hà Lan, thành viên của Hội đồng Chính phủ Hà Lan, Dân biểu Quốc hội từng là lãnh tụ khối đa số tại Hạ viện, TS Voorhoeve có uy tín và ảnh hưởng chính trị tại Hà Lan.
Theo lời Cựu Đại sứ Việt Nam ở Hà Lan, TS Đinh Hoàng Thắng, ngay từ những ngày đầu khi ông Thắng nhận nhiệm sở ở Hà Lan, Tiến sĩ Voorhoeve, lúc đó là Bộ trưởng Quốc phòng, đã tiếp cận ông nhiều lần và nhờ ông chuyển yêu cầu của phía Hà Lan đòi Việt Nam giải quyết vụ ông Trịnh Vĩnh Bình một cách công bằng và hoàn trả tài sản cho ông Bình.
Trong dịp Thủ tướng Phan Văn Khải đến thăm Hà Lan năm 2010, Bộ trưởng Quốc phòng Voorhoeve còn yêu cầu sắp xếp để ông tận tay trao cho Thủ tướng Việt Nam tập hồ sơ dày hơn 500 trang về vụ án Trịnh Vĩnh Bình.
Mời quý vị theo dõi buổi phỏng vấn của VOA với Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Voorhoeve, người khẳng định việc kết án của ông Bình là “bất công” và vụ này là một “phép thử” về việc tuân thủ luật pháp hay đứng về phía các quan chức tham nhũng của Việt Nam.
***
VOA: Ông thấy việc Việt Nam truy tố ông Trịnh Vĩnh Bình có bất công không? Nếu có thì tại sao?
Bộ Trưởng (BT) Joris Voorhoeve: Có, rất không công bằng bởi vì chỉ dựa trên lời khai sai trái, một lời khai giả tạo rằng ông Bình gian lận thuế, vốn dĩ không đúng sự thật. Và người đưa ra lời khai sai trái này sau đó đã rút lại và nói rằng ông ta bị ép cung và rất hối lỗi. Ông ta nói điều này ngay trước khi qua đời.
VOA: Nếu việc truy tố là bất công thì vấn đề nằm ở chỗ luật pháp hay ở cá nhân?
BT Joris Voorhoeve: Đặc biệt nằm ở chỗ cá nhân. Vụ này là vụ một trưởng công an địa phương tham nhũng tìm cách chiếm đoạt tài sản do ông Bình nắm giữ ở Việt Nam.
VOA: Chính phủ Hà Lan can dự vào vụ ông Bình như thế nào để bảo vệ công dân mình?
BT Joris Voorhoeve: Tôi biết ông Bình cũng hơn 30 năm rồi. Và khi tôi hay tin chuyện gì xảy ra với ông ấy ở Việt Nam, tôi rất lo ngại và tôi theo dõi vụ việc. Và tôi hết sức lo ngại về những cáo buộc sai trái và tôi đã cố gắng làm việc thông qua Bộ Ngoại giao, bản thân tôi là Bộ trưởng Quốc phòng, để nói rõ với nhà chức trách Việt Nam rằng họ phải sửa chữa cách cư xử sai trái của họ đối với ông Bình. Và tiếc là cho tới bây giờ những nỗ lực này vẫn không hiệu quả.
VOA: Chính phủ Việt Nam hồi đáp phản ứng của Hà Lan như thế nào?
BT Joris Voorhoeve: Họ phản ứng với yêu cầu của chính phủ Hà Lan và của đại sứ Hà Lan bằng những phản hồi không rõ ràng, chỉ đơn giản nói chính phủ Việt Nam có lưu ý vấn đề này và có điều gì đó không đúng và họ sẽ xem xét, nhưng thật ra họ chẳng làm gì để sửa chữa cách đối đãi bất công đối với ông Bình cả.
VOA: Vụ việc của ông Bình có tác động gì tới mối quan hệ giữa Việt Nam và Hà Lan không?
BT Joris Voorhoeve: Có, rất nhiều nữa là đằng khác. Điều rất quan trọng đối với quan hệ quốc tế và đầu tư và thương mại quốc tế là các nước có thể tin cậy lẫn nhau là rất quan trọng, rằng họ tuân thủ luật pháp quốc gia và quốc tế. Và vụ việc mà chúng ta đang bàn ở đây không chỉ được theo dõi ở Hà Lan mà còn ở Mỹ và các quốc gia khác, bởi vì vụ việc này là một phép thử đối với Chính phủ Việt Nam, liệu họ sẽ tuân thủ luật pháp hoặc đứng về những quan chức tham nhũng.
VOA: Chính phủ Hà Lan có xem việc ông Bình bị truy tố là vi phạm Hiệp định Đầu tư Song phương không?
BT Joris Voorhoeve: Có, và ông Trịnh tất nhiên cũng theo đuổi điều này thông qua những hành động cá nhân. Ông ấy thuê được một luật sư giỏi ở Mỹ để áp dụng luật pháp cho vụ kiện của mình. Bởi vì chính phủ Việt Nam đã không tự nguyện sửa những điều sai trái đã xảy ra.
VOA: Thỏa thuận dàn xếp năm 2006 giữa ông Bình và chính phủ Việt Nam có phải dựa trên Hiệp định Đầu tư Song phương không?
BT Joris Voorhoeve: Dàn xếp là một chuyện nhưng phía Việt Nam không thi hành thỏa thuận. Họ câu giờ rồi cứ đàm phán hết lần này tới lần khác và tài sản của ông Bình cũng không được trả lại như quy định trong thỏa thuận đó. Vì vậy cái cách mà chính phủ Việt Nam giải quyết vụ này tới giờ vẫn rất không thỏa đáng.
VOA: Ông bình luận như thế nào về vụ xét xử sắp tới liên quan tới vụ kiện của ông Bình?
BT Joris Voorhoeve: Tôi cho rằng vụ kiện này sẽ hoàn toàn giải oan cho ông Bình và sẽ yêu cầu nhà chức trách Việt Nam thi hành các thỏa thuận đã được đưa ra trước đó, và ông Bình được bồi thường cho những sự trì trệ và thiệt hại to lớn mà ông phải gánh chịu.