Khởi đầu lại: Những mẩu chuyện của người nhập cư trên đất Mỹ
Cách xa nửa vòng trái đất, người Việt xây dựng cuộc sống trên những nhánh sông của nước Mỹ
Hai thế hệ người tị nạn đã xây dựng cuộc sống của mình ở Vịnh Mexico. Nhưng trong khi ngành hải sản chật vật sinh tồn, những công dân Mỹ từng là người tị nạn này – và cả một vùng – đang băn khoăn về tương lai của mình.
Victoria Macchi
BAYOU LA BATRE, ALABAMA—Một giờ sau khi rạng sáng, những tia nắng cuối tháng Tám hắt lên từ mặt sàn 26 mét được cọ trắng trên chiếc tàu Little Andrew, nơi ông Nguyễn Văn Dũng cùng đoàn thuyền viên của ông chuẩn bị cho một tháng nữa đi đánh tôm ngoài Vịnh Mexico. Tàu chưa rời bến mà mồ hôi đã thấm ướt áo thun của họ.
Tại thị trấn nhỏ Bayou la Batre này nằm ở phía nam bang Alabama, nơi tàu thuyền thường được đặt theo tên người con của chủ sở hữu, Little Andrew chẳng khác gì những chiếc Miss Hannah và Miss Ashleigh đậu ngay bên cạnh nó. Từ nhiều thập kỷ nay, ông Dũng và đoàn thuyền viên của ông vẫn thường xuyên cập cảng từ tháng 5 đến tháng 12 để dỡ xuống hàng ngàn pound tôm đánh bắt ở Vịnh Mexico và dự trữ đồ ăn thức uống cho chuyến đi biển kế tiếp.
Giống như những đoàn đánh tôm khác ở vùng đầm lầy này, bốn người đàn ông này xuất thân từ những gia đình làm nghề đánh cá; họ kể rằng cha và ông họ từng làm công việc giống hệt như thế này.
Nhưng không như hầu hết những đội đánh bắt khác ở vùng đầm lầy, họ bắt đầu cuộc đời ở Mỹ là những người tị nạn từ Việt Nam.
Giờ trong độ tuổi 50 và 60, đoàn đánh tôm của chiếc Little Andrew đang bớt lại những chuyến đi biển kéo dài cả tháng trời, nối tiếp nhau. Ba người đàn ông lớn tuổi nói qua loa về chuyện nghỉ hưu, về những ý tưởng làm ăn khác. Nếu có thể làm khác được – nếu mọi rủi ro tài chính mà họ đã chấp nhận trong 40 năm qua thành công, họ hy vọng họ sẽ là thế hệ cuối cùng trong gia đình còn kiếm sống trên mặt nước.
Họ không phải là những người duy nhất, và những nơi như Bayou la Batre sinh tồn nhờ nghề đánh tôm đang chật vật với tình thế tiến thoái lưỡng nan đó.
Hành trình dài đến vùng đất mới
Khi quân cộng sản tiến chiếm Sài Gòn năm 1975 và gây nên một cuộc di cư ồ ạt rời khỏi Nam Việt Nam, thiếu niên Nguyễn Văn Dũng 15 tuổi và gia đình là một trong số những “thuyền nhân” lên đường ra biển năm đó mong được giải cứu. Mấy ngày sau một tàu quân sự của Mỹ tìm thấy họ. Ông Dũng đứng nhìn chiếc thuyền đánh cá của gia đình trôi dạt, trống rỗng.
“Ở Việt Nam với Việt Cộng mọi thứ là của họ hết. Không có tự do…” Ông Dũng nhớ lại. “Đó là lý do vì sao chúng tôi phải ra đi. Chỉ vì một thứ. Tự do.”
Sau vài tháng ở đảo Guam, một chuyến bay đến Mỹ đưa ông Dũng, tám anh chị em và cha mẹ ông đến Căn cứ Không quân Eglin ở phía bắc bang Florida, một trong bốn cơ sở quân sự làm thủ tục cho làn sóng người tị nạn đầu tiên. Thêm khoảng 760.000 người nữa đến trong thập kỷ tới từ Campuchia, Lào và Việt Nam, lánh những cuộc xung đột ở quê hương họ.
Bấm vào xem trang ảnh
Những bang ven Vịnh Mexico tái định cư khoảng 15 phần trăm trong số 130.000 người Đông Nam Á vào năm 1975. Từ Florida và Alabama, tới Mississippi, Louisiana và Texas, khoảng 20.000 người tị nạn tìm được mái nhà mới trong vùng này, thường nhờ sự giúp đỡ từ những nhà thờ.
Giống như nhiều người tị nạn khác, gia đình ông Dũng không có kế hoạch gì khi họ rời Việt Nam ngoại trừ ra đi một cách an toàn. Khi tới Florida, họ cùng với những gia đình Việt Nam khác từ trại Eglin dọn tới Panama City, nơi họ có một người bảo lãnh trong ngành hải sản. Ông ta thuê họ làm việc mấy tháng; những người cha và những người con trai lớn sớm tìm được việc làm khác và để dành tiền.
Ông Dũng kể lại,”Khoảng một năm sau, cha tôi mua được một chiếc tàu đánh tôm. Và chúng tôi bắt đầu làm việc trên chiếc tàu đánh tôm từ đó.”
“Cuối cùng mọi người tìm được đường đến nơi mà họ cảm thấy thoải mái nhất và tìm kiếm việc làm.”
– Daniel Le
Chính phủ không có chủ định sắp xếp cho người tị nạn ở những nơi tương tự như quê hương của họ ở Đông Nam Á. Đối với một số người, nhờ may mắn mà họ được sống ở Florida. Những người khác tự dời cư tới đó, theo lời ông Daniel Lê, người điều hành chi nhánh Vùng Bờ Vịnh của tổ chức cộng đồng người Việt có tên là Boat People SOS (BPSOS). Với vốn tiếng Anh ít ỏi và những kỹ năng gắn liền với cuộc sống trên biển, một số người tị nạn chỉ còn biết làm việc trong ngành đánh bắt thủy sản.
Ông Daniel Lê, ở thành phố cảng Biloxi của bang Mississippi, cách Bayou la Batre khoảng 80 km về phía tây, nói: “Cuối cùng mọi người tìm đường tới nơi mà họ cảm thấy thoải mái nhất và tìm được việc làm.”
Vài năm sau khi họ đến Bayou la Batre, gia đình ông Dũng mua một con tàu lớn hơn và từ từ phát triển nghề làm ăn của mình. Họ đã trở thành công dân Mỹ, xây dựng cuộc sống ở Mỹ quanh Vịnh Mexico.
Cuối cùng, trong một chuyến đi tới Biloxi, ông Dũng gặp người vợ tương lai của mình – cũng là người tị nạn từ Việt Nam. Hai người lập gia đình ở Florida; đến năm 2001 họ đã có hai con và nhiều tham vọng. Năm đó, ông Dũng đặt làm tàu đánh tôm mới và đặt tên nó theo tên con trai út của họ: Little Andrew.
Cuộc sống ở vùng Bayou
Bayou la Batre là một thị trấn nhỏ miền nam. Ở đây, muốn tìm thuyền trưởng thì lời khuyên nhận được là “cứ lên thuyền rồi la lớn.”
Khi chiếc Little Andrew cập cảng này giữa mùa đánh bắt để giao 25.000 kilogram tôm, ông Dũng và đoàn thuyền viên của ông không phải là những người Đông Nam Á duy nhất. Trong cuộc điều tra dân số gần đây nhất vào năm 2010, 2.558 người sống ở Bayou la Batre; một phần tư trong số đó là người châu Á. Cả bang Alabama chỉ có 1,4 phần trăm của 4,8 triệu người nhận mình thuộc sắc dân đó.
Cũng giống như dân sinh ra ở vùng đầm lầy này, người tị nạn tìm cách mưu sinh trong mỗi một phần của ngành thủy sản, là ngành thúc đẩy nền kinh tế của thị trấn này.
Frye Gaillard, người viết về sự xuất hiện của những người tị nạn trên đất Mỹ trong cuốn sách của ông, In Path of the Storms, nói: “Điểm chung mà họ cùng có là tinh thần lao động chăm chỉ và tình yêu đối với công việc loại này,”.
Ông Gaillard nói: “Đối với nhiều người đó là một cách để vượt qua những cách biệt về văn hóa.”
Ở vùng đầm lầy, những người đàn ông chủ yếu làm việc ngoài biển hoặc gần biển, đánh bắt hải sản và đưa vào đất liền. Những người phụ nữ tìm thấy một chỗ quanh những bàn thép lạnh bên trong những nhà máy chế biến, làm việc trong những toán công nhân người da đen và trắng sinh ra ở vùng bayou. Họ bắt đầu ngày làm việc trước khi bình minh, bóc thịt cua, gỡ hàu và rửa tôm. Hỏi về ngày nghỉ họ sẽ bật cười.
Dữ liệu liên bang cho thấy khoảng một trong bốn người đánh bắt tôm trên Vịnh Mexico có liên quan tới cộng đồng Đông Nam Á.
Với tài sản ít ỏi và nhiều người trong gia đình để nuôi, người Đông Nam Á nhanh chóng khẳng định mình là những người lao động không ngơi nghỉ trong cái nghề mà tiền công tính bằng kilô sản xuất.
Thêm nhiều những cánh tay kéo tôm và bóc cua để bán đã đóng góp rất lớn vào ngành hải sản, theo lời ông Dominick Ficarino, người mua tôm từ tàu Little Andrew và thuê nhân viên gồm những người trước đây là người tị nạn và những người Đông Nam Á thế hệ trẻ hơn. “Họ thực sự hỗ trợ chúng tôi rất nhiều,” ông Ficarino nói thêm, “vì nếu không có họ thì không biết ở đây còn làm ăn gì được nữa.”
Không có số liệu thống kê về những người làm thuyền trưởng và thuyền viên đánh bắt tôm, nhưng số liệu liên bang cho thấy khoảng một trong bốn người đánh bắt tôm trên Vịnh Mexico có liên quan đến cộng đồng người Đông Nam Á, ít nhất là ở cái tên. Một phân tích hồi năm 2009 đối với 1.853 tàu thuyền đánh tôm được liên bang cấp phép do Văn phòng Khu vực Đông nam của Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia cho thấy khoảng 26 phần trăm chủ tàu có tên họ Đông Nam Á.
Ông John Williams, Giám đốc điều hành của Liên minh Tôm miền Nam, ước tính trong số những thành viên khu vực của tổ chức ông – khoảng từ 1000 tới 3000 người mỗi năm – tới 50 phần trăm là người Đông Nam Á.
Không được hoan nghênh
Sự chuyển tiếp sang cuộc đời ở Mỹ không phải hoàn mỹ. Cầm bia trong tay, người dân địa phương ở vùng đầm lầy sẽ kể những câu chuyện về những vụ đánh nhau bằng dao vào những ngày đầu sau khi người tị nạn đến. Vào năm 1981, những thành viên của Ku Klux Klan, nhóm có tư tưởng da trắng thượng đẳng, đốt tàu của những ngư dân người Mỹ gốc Việt ở Vịnh Galveston, bang Texas. Một vụ kiện do Trung tâm Luật Sự Nghèo khó miền Nam thay mặt cho những người tị nạn chặn đứng chiến dịch khủng bố bằng một lệnh của tòa án.
Ông Daniel Lê của BPSOS nói: “Ở miền Nam nơi luôn có căng thẳng về sắc tộc, “căng thẳng… không bao giờ lên đến mức như KKK với người Mỹ gốc Phi châu,” Nhưng ông Gaillard, một giảng viên đại học sống gần Bayou la Batre, nói rằng nhiều thập niên sau đó, “Nếu muốn tìm sự cố chấp cực đoan, bạn có thể tìm thấy nó ở đây.”
“Cũng có những hành vi kì thị lẻ tẻ, nhưng nhìn chung thì nơi này là nhà,” ông nói. “Đó là nơi mà họ tìm thấy nơi nương náu và sự an toàn.”
Bấm vào xem trang ảnh
Ông Ficarino thuê một đội ngũ nhân viên gồm những người tị nạn trước đây và những người gốc Đông Nam Á thuộc thế hệ trẻ. Ông và những người địa phương khác sẽ nói đi nói lại rằng: về nhiều mặt, người tị nạn đã nâng cao tiêu chuẩn cho việc sản xuất thủy sản trong khu vực.
Ông Ficarino nói, “Dũng và tôi đã cùng làm việc với nhau trong khá nhiều năm. “Tôi thực sự không nghĩ đến ai khác nhiều hơn ông ấy. Ông ấy là một người chăm chỉ. Những gì ông có được ngày hôm nay, tôi đã chứng kiến ông gặt hái được”.
Thế hệ tiếp theo
Thế hệ tiếp theo có thể còn không được lựa chọn nữa.
Thời tiết khắc nghiệt như cơn bão Katrina năm 2005, các vụ tràn dầu BP năm 2010, và sự bùng nổ nhập khẩu tôm từ nước ngoài – trớ trêu thay, lại bao gồm cả từ Việt Nam – đã để lại một dấu hỏi lơ lửng trên trên các thị trấn như Bayou la Batre. Nước Mỹ ngày càng phụ thuộc vào hải sản nhập khẩu, dẫn đến thâm hụt thương mại về thủy sản hàng năm ở mức trên 10,4 tỉ đôla, theo số liệu của Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển. Nhập khẩu tôm tăng 12% đến gần 568.000 tấn từ năm 2013 – 2014, theo thống kê của cơ quan này.
“Chúng tôi làm việc ở nơi mà khi bạn thức dậy vào buổi sáng, bạn mở cửa ra và thấy toàn nước. Đó là những gì mà chúng tôi thích làm.”
– George Earl Bosarge
Thêm nhiều tôm, nhất là là các sản phẩm nuôi, hạ thấp mức thu nhập của các chủ doanh nghiệp Mỹ. Trong thời kỳ hoàng kim của ngành đánh bắt tôm cách đây 50 năm, theo ông John Williams của Liên minh Tôm miền Nam, “Bạn sẽ không làm giàu, nhưng được tự mình làm chủ”, Việc các bậc cha mẹ không muốn cho con cái tham gia vào ngành công nghiệp đang gặp khó khăn này là điều hợp lý.
Bất chấp những nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế ở Bayou la Batre, chẳng hạn như tập trung trở lại vào việc đóng tàu, ngay cả thị trưởng mới của thành phố cũng không cảm thấy tin tưởng vào tương lai của thành phố.
Bà Annette Johnson nói, “Tôi đồng ý là có một sự chuyển đổi đang diễn ra. Phần lớn trong biến chuyển đó là những người trẻ tuổi… họ không thích làm việc trong ngành sản xuất thủy sản. Họ thích làm các công việc khác hơn. Và vì vậy họ đã rời khỏi cộng đồng chúng tôi”.
Không phải bậc phụ huynh nào làm việc trên mặt nước đều muốn con mình có một cuộc sống khác. Một thuyền trưởng tàu tôm để con trai làm công việc của thủy thủ trên boong tàu trong kỳ nghỉ hè. Một người sinh trưởng ở vùng đầm lầy khác, ông George Earl Bosarge, xây dựng các bến cảng thương mại. Ông nói ông sẽ vui lòng để cho con cái theo nghề của ông.
Là một thành viên của một trong những gia đình sáng lập Bayou la Batre, ông Bosarge nói, “Đó là cuộc sống của chúng tôi, đó là bản chất của chúng tôi, làm việc trên mặt nước, ở trên mặt nước. Chúng tôi làm những công việc ngay tại nơi mà ta thức dậy vào buổi sáng, mở cửa ra là thấy nước. Đó là những gì chúng tôi muốn làm. Chúng tôi yêu nó”.
Cả hai người đều sinh ra trong nghề. Đứng trên bến tàu phía sau nhà máy chế biến tôm của mình, ông Ficarino kể lại về cuộc sống khó nhọc của cha và ông mình trước đó. Trong những câu chuyện riêng, ông và ông Dũng thừa nhận họ dành những giờ dài trên biển để con cái sẽ không phải cực như thế nữa.
Ông Ficarino nói “(Dũng) cũng nghĩ rất giống như tôi về việc các con của ông sẽ bước vào nghề này.” Ông phải đi cả tiếng đồng hồ từ Mobile đến vùng đầm lầy mỗi ngày. Ông cũng là chủ hai chiếc tàu Miss Hannah và Miss Ashleigh. “Tôi muốn con tôi đi học và nhìn các cha mẹ của những trẻ em khác làm bác sĩ, luật sư, với con mắt hoàn toàn khác so với những gì tôi đã thấy khi lớn lên. Tôi muốn thấy chúng đi theo một hướng khác trong cuộc sống.”
“Tôi mong muốn (chúng) đi học… Tôi không muốn (chúng) ở trên tàu đánh bắt tôm như cha tôi.”
– Nguyễn Văn Dũng
Khi con cái ông Dũng còn nhỏ, ông để cho các con trai mình thám hiểm các boong tàu và những con cá từ phía sau những chiếc tàu đã được đặt tên theo tên của chúng – những Little Andrew và Captain Christopher. Nhưng ông và vợ ông rất nghiêm khắc về một điều: tương lai của các con sẽ không phải là ở vùng Vịnh này.
Ông Dũng nói, “Tôi mong muốn (chúng) đi học… Tôi không muốn (chúng) ở trên tàu đánh bắt tôm như cha tôi.”
Điều đó là rõ ràng đối với chàng trai 20 tuổi Christopher, hiện là sinh viên ngành kinh doanh ở Florida. Em trai Andrew,18 tuổi, đang học ngành kỹ sư.
Christopher nói, “Kể từ lúc tôi còn nhớ được thì cả cha lẫn mẹ của tôi đều nói rõ ràng với tôi và em trai tôi rằng họ muốn chúng tôi đến trường, theo đuổi việc học hành và tránh xa nghề đánh cá.”
“Mùa hè nào tôi cũng xin cha tôi đi theo một chuyến chỉ để nếm trải xem sao, nhưng cho tận giờ này, ông vẫn chưa để cho tôi hay em trai của tôi đi… Ông không muốn chúng tôi lại gần nơi đó”.
Lựa chọn ở lại
Và không phải mọi đứa trẻ đều muốn bỏ đi.
Von Larson lớn lên trong vùng đầm lầy. Sinh ra tại Lào, gia đình cô chạy trốn đến một trại tị nạn Thái Lan. Khi đó cô mới 3 tuổi, họ đã đến Port Arthur, Texas, và cuối cùng, vào Nam Alabama và chế biến hải sản. Trong suốt những năm trung học, cô Larson cho biết cô đã làm việc trong các nhà máy vào cuối tuần và trong kỳ nghỉ hè.
Cô kể lại, “Tôi chỉ cần chắc chắn là bóc (cua) thật nhanh.” Nhưng cô Larson cũng hỏi rất nhiều câu hỏi, và chú ý đến cách ông chủ của mình điều hành các cửa hàng bởi vì, cô nói, “Tôi biết tôi muốn đứng về phía bên kia”.
Vì vậy, với số tiền tiết kiệm được, cô và một đối tác kinh doanh đã mua một công ty trên đường Shell Belt, đối diện bến cảng và các nơi chế biến, và bắt đầu bán hải sản. Khi cơn bão Katrina quét sạch tòa nhà của cô và gây tan tác cho các doanh nghiệp bị tàn phá khắp vùng đầm lầy, cô bắt đầu dịch thuật cho các công ty bảo hiểm cần giao tiếp với những gia đình nhập cư trong khu vực. Cách đây vài năm, cô lại đổi nghề một lần nữa.
Nhà hàng mà cô đang điều hành cùng với sự giúp đỡ của chồng, anh em và cha mẹ, đã đủ thành công để mở thêm địa điểm thứ hai vào tháng Chín trong khu vực gần Mobile. Họ phục vụ các món ăn miền Nam nước Mỹ và Đông Nam Á, với phong cách ít pha trộn giữa hai vùng, mà để cho thực khách cả hai lựa chọn. Tại nhà hàng của cô Von, một khách hàng đang đói có thể gọi một tô phở Việt Nam với nước dùng đặc mùi hải sản (và người địa phương sẽ chỉnh bạn khi bạn gọi đó là “súp”.)
Bằng lối phát âm kéo dài cho thấy rõ đã lớn lên ở miền nam nước Mỹ, cô Larson nói, “Giấc mơ Mỹ có thể đạt được, ta chỉ cần tự thu xếp để có được tất cả.”
“Nó sẽ không tự đến với ta, ta chỉ cần có chiến lược và giống như kiểu, ‘làm thế này là được, làm thế này là không được’… Thất bại cũng là một phần trong đó”.
Nếu bạn yêu cầu món ngoài thực đơn, cô Von sẽ chiên tôm vùng Vịnh lên và dùng với món cơm chua ngọt mà cô nói là pha trộn di sản châu Á với cuộc sống Mỹ.
“Alabama chắc chắn là cột trụ của nơi tôi muốn ở”.
Thêm từ Bayou La Batre
Cô Von Wesson rời khỏi Lào sau khi xung đột khu vực làm rung chuyển Đông Nam Á trong những năm 1960 và 1970. Cô sống trong một trại tị nạn ở Thái Lan trước khi định cư ở miền Nam Alabama. Cô Von khởi nghiệp là công nhân trong một cơ sở chế biến tôm, nhưng dần đã tạo được sự nghiệp riêng cho mình. Ngày nay, cô sở hữu hai nhà hàng và một chiếc xe bán đồ ăn.
Khmer Đỏ nắm quyền kiểm soát Campuchia vào giữa những năm 1970. Họ giết hàng triệu người theo lệnh của chế độ cộng sản Pol Pot. Những người lính như Heang Chhun có một lựa chọn: chạy hoặc chết. Vì sự an toàn của gia đình, ông Chhun tìm đường thoát khỏi Campuchia và bắt đầu một cuộc sống mới ở Mỹ. Đây là câu chuyện của ông.
Họ chạy trốn chiến tranh ở đất nước họ để tìm một cuộc sống tốt hơn ở Mỹ. Khi những nhóm người Đông Nam Á lên tàu để đến đất Mỹ, nhiều người trong số họ không biết đang đi đâu, nhưng họ biết họ đã thoát ra khỏi cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Campuchia và Lào. Bây giờ, một số trong số những người này định cư ở miền nam của Mỹ.
Về dự án này
“Khởi Đầu Lại” là một dự án đa phương tiện (multimedia) được sản xuất bởi các phóng viên của VOA, khám phá những câu chuyện nhập cư ít được biết đến và cộng đồng di dân trên toàn nước Mỹ.
Liên hệ với nhóm qua email: voamap@voanews.com
Muốn xem các hình ảnh và câu chuyện độc quyền, đằng sau hậu trường, hãy theo dõi dự án trên các trang sau:
Facebook: www.facebook.com/voamap
Twitter: www.twitter.com/voamap
Instagram: @voamap
Về nhóm phóng viên
Victoria Macchi là phóng viên của VOA tại Washington, DC. Trước khi gia nhập VOA năm 2014, Victoria làm phóng viên ở Trung Đông, Nam Mỹ, và tiểu bang nhà của cô Florida, nơi cô đưa tin về vấn đề nhập cư. Cô là người hai lần được nhận làm nghiên cứu với Trung tâm Quốc tế cho các Nhà báo. Cô nói thông thạo tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp, hoàn thành bằng Thạc sĩ về Nhân quyền tại Đại học Columbia. Theo dõi Victoria trên Twitter: @VMMacchi
Arash Arabasadi là nhà báo đa phương tiện (multimedia) từng đoạt giải thưởng với nhiều năm kinh nghiệm chụp hình, sản xuất, viết và biên tập. Ông đã đưa tin từ các cuộc xung đột quốc tế ở Iraq, Ai Cập, Vịnh Ba Tư và Ukraine, cũng như trong nước như Ferguson, Missouri, và Baltimore, Maryland. Arash cũng đã là một giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Howard, Đại học Hampton, và trường cũ của mình, Đại học North Carolina tại Chapel Hill. Ông sống ở Washington, DC, với vợ Ashley, và hai con chó của họ. Theo dõi Arash trên Twitter: @ArashArabasadi
Những người thực hiện
Lời nói và hình ảnh của Victoria Macchi
Video của Arash Arabasadi
Thiết kế và phát triển web bởi Stephen Mekosh and Dino Beslagic
Ý kiến